Khớp ngậm đúng giúp bé bú mẹ hiệu quả

Khớp ngậm đúng và sai

Một trong những hối tiếc làm mẹ của mình là không tìm hiểu kỹ về khớp ngậm trước khi sinh em bé, và cứ nghĩ một cách tự nhiên đưa ti vào miệng thì bé sẽ bú. Sau khi chia sẻ thì nhiều bạn bè, gia đình và hội nhóm của Mẹ Sóc cũng nói rằng việc cho con bú thực sự có rất nhiều vấn đề chứ không đơn giản như họ nghĩ. 
Bài viết này sẽ chia sẻ với bạn các thông tin cụ thể, súc tích nhất có thể:
  • Video hướng dẫn về chỉnh khớp ngậm đúng
  • Hậu quả của việc bé bú sai khớp ngậm
  • Làm sao để biết bé có khớp ngậm đúng?
  • Chỉnh khớp ngậm đúng và tập bé bỏ bú dễ hay khó?
Mời các mẹ cùng xem video hướng dẫn của bác sĩ sữa mẹ Anh Thy nhé? 

Khóa học ngắn của Stanford về Cho con bú mẹ (Stanford's short course on Breastfeeding)

Mẹ nào có thời gian muốn học bài bản về cho con bú, khớp ngậm cũng có thể tham khảo khóa học của Stanford về Cho con bú mẹ trên Coursera. Ngôn ngữ giảng dạy: tiếng Anh, có phụ đề các tiếng gồm tiếng Việt. Mẹ Sóc đã cùng tham gia dịch sang tiếng Việt nên mong sẽ hữu ích cho nhiều bố mẹ. Hoàn toàn miễn phí và nếu bạn muốn có chứng chỉ chuyên nghiệp thì đang được trợ giá còn $29: https://www.coursera.org/learn/breastfeeding

Hậu quả của việc bé bú sai khớp ngậm

Bú sai khớp ngậm có rất nhiều hậu quả khôn lường mà các mẹ hầu như đều không hình dung được ngay từ ban đầu.

Khiến mẹ bị nứt cổ gà/ ti bị sưng đỏ, đau

Chỉ cần chạm nhẹ thôi là đau điếng, hay mỗi lần cho con bú là phải lấy tinh thần, phải gồng mình chịu đựng.... - Bạn có thấy quen không? Đó là cảm giác thường thấy ở những mẹ bị nứt cổ gà.
Nứt cổ gà có rất nhiều nguyên nhân, nhưng 90% là do bé bú sai khớp ngậm. Khi bị sai khớp ngậm, bé sẽ gần như chỉ ngậm đầu ti mẹ, một số bé còn có thói quen nhai hoặc cắn đầu ti, điều đó khiến đầu ti mẹ bị tổn thương, bị sưng đỏ, đau buốt.

Bé bú vặt, bú lắt nhắt

Quá trình tiết sữa mẹ nhiều hay ít sẽ liên quan trực tiếp đến việc bé ngậm đúng hay sai khớp. Khi bé bú không đúng, ngậm sai khớp bé sẽ không ép sữa hiệu quả, và lượng sữa mà bé nhận được sẽ ít không đủ cho bé no. Đó chính là nguyên nhân khiến bé bú lắt nhắt.
Một số trường hợp khi bị sai khớp ngậm, bé sẽ không kiên nhẫn để bú được đủ thời gian, và hậu quả là bé chỉ bú được vài phút sau đó dừng lại.

Mẹ bị tắc tia sữa, viêm tuyến vú, áp xe vú

Bé bú mẹ là một trong những cách để rút sữa ra khỏi ngực. Trong trường hợp bé bị sai khớp ngậm, bé gần như không rút được hết sữa ra ngoài. Thông thường, cơ thể mẹ sẽ nhận biết và điều chỉnh để giảm tiết sữa, giúp phòng tránh tình trạng tắc tia sữa. Nhưng trong nhiều trường hợp, khi cơ thể chưa kịp điều chỉnh để giảm tiết sữa, thì lượng sữa vẫn tiếp tục được sản xuất nhưng không được đẩy ra ngoài. Lượng sữa đó sẽ ứ đọng bên trong các ống dẫn sữa. Lâu ngày tại các vị trí sữa bị ứ đọng sẽ sinh ra tình trạng viêm, lúc này tắc tia sẽ trở thành viêm tuyến vú, áp xe vú. 
Mẹ Sóc cũng từng bị tắc tia trong vài ngày đầu và việc thông tia sữa hay chữa trị vô cùng đau đớn các mẹ ạ! Có nhiều mẹ trong mạng lưới bạn bè còn bị tắc tia thường xuyên, bị viêm tuyến vú rất khổ sở. Có mẹ bị áp xe vú phải mổ hút gần 300ml mủ và đi thông mủ đọng 20-30 lần, sau đó bác sĩ cho thuốc ngừng tiết sữa và phải kết thúc hành trình cho con bú sớm khi bé mới 2 tháng. 

Bé bỏ ti mẹ

Nhiều mẹ nghĩ, do mình ít sữa nên bé mới bỏ ti, chứ sữa nhiều thì bé không bỏ. Nhưng đã có rất nhiều mẹ, sau khi kích sữa bằng cách vắt hút, lượng sữa đã đủ còn bé thì vẫn không chịu ti mẹ.
Đương nhiên, nếu bé bị sai khớp ngậm, không rút sữa hiệu quả, bé sẽ lười bú, không chịu bú lâu, và dần dần lượng sữa mẹ sẽ càng ngày càng ít đi, bé càng ngày càng không thích bú mẹ. Hậu quả là bé bỏ bú. Khi đó bố mẹ thường cho bé bú bình. Cơ chế hút sữa từ bình với khớp ngậm ti mẹ hoàn toàn khác nhau nên vấn đề sai khớp ngậm không được giải quyết, bé vẫn bỏ ti mẹ.
Đây cũng là lý do nhiều chuyên gia và bác sĩ sữa mẹ khuyên các bố mẹ và gia đình không nên cho con ti bình quá sớm, ít nhất là trong 6 tuần đầu tiên, và chỉ giới thiệu ti giả và ti bình sau khi bé đã có được khớp ngậm đúng. 

Làm sao để biết bé có khớp ngậm đúng

Rất nhiều mẹ dù đã sinh đến bé thứ 3 vẫn chưa từng biết về việc thế nào là một khớp ngậm đúng. Khái niệm nghe có vẻ mới mẻ với người Việt Nam nhưng lại rất phổ biến trên thế giới. Bởi lẽ, chúng ta thường có thói quen ở cùng với ông bà, bố mẹ, nên việc cho con bú với nhiều gia đình là việc người lớn hướng dẫn người trẻ.
Khoa học đã tiến bộ hơn rất nhiều, nhưng đây cũng là nguyên nhân khiến cho hiện nay càng ngày càng có nhiều em bé bú mẹ sai cách. Chiếc bình sữa tiện lợi, những hộp sữa công thức tràn ngập, ti giả... là thủ phạm khiến trẻ không biết bú mẹ.
Khi bé bú bình, bé thường có thói quen chỉ ngậm một chút ở núm ti, bé cũng chỉ cần mút nhẹ là có sữa. Hơn thế, sữa chảy từ bình thường rất đều đặn và có van chống sặc. Điều đó khiến bé mất đi những phản xạ tự nhiên để bú mẹ đúng. Dưới đây là những dấu hiệu để mẹ có thể biết bé có đang ngậm đúng khớp ngậm không?

Dấu hiệu bên ngoài

  • Miệng há to, 2 môi trề
  • Cằm chạm ngực, mũi hở
  • Bé ngậm gần hết quầng thâm chứ không chỉ ngậm mỗi đầu ti
  • Bé ngậm quầng vú dưới nhiều hơn quầng vú trên

Dấu hiệu bên trong

Đây là dấu hiệu mà mẹ sẽ là người trực tiếp cảm nhận tốt nhất:
  • Lực mút mạnh
  • Lưỡi bé le ra phủ lên nướu của hàm dưới
  • Bé dùng lưỡi để ép sữa chứ không dùng lợi để cắn
  • Mẹ cảm thấy rất thoải mái, dễ chịu, không bị đau.
Lưu ý: Tất cả những dấu hiệu này chỉ có tính chất tương đối, mẹ cần đánh giá trên nhiều yếu tố chứ không chỉ đánh giá từ một vài yếu tố.

Chỉnh khớp ngậm đúng và tập cho bé ti mẹ lại

Nếu bé của các mẹ đang có khớp ngậm đúng thì xin chúc mừng! Còn nếu không, mẹ Sóc xin mời các mẹ đọc tiếp nha. 
Phần này là chuyên môn nên các mẹ cần có tư vấn và hướng dẫn càng trực tiếp càng tốt từ những chuyên gia cho bú hoặc sữa mẹ như bác sĩ Anh Thy.
Bé bỏ bú nghĩa là bé không bú hoặc gần như không bú mẹ. Với những bé chỉ bú mẹ được một hai phút thì cũng được coi là bỏ bú.

Từ kinh nghiệm cá nhân, dưới đây là một số thứ các mẹ có thể xem lại và điều chỉnh để chỉnh lại khớp ngậm đúng và tập cho bé ti mẹ lại.
  • Kiểu ngực: biết được kiểu ngực của mình và thách thức cho việc tạo khớp ngậm đúng.
  • Kĩ thuật bế khi cho bú hay tư thế: hãy nhớ nguyên tắc tai, vai, hông nằm trên cùng một đường thẳng. Với mỗi kiểu ngực và với mỗi cá tính khác nhau của bé, chúng ta sẽ có những kĩ thuật và cách thức cho bú khác nhau.
  • Yêu chiều bé và da tiếp da nhiều, giúp bé thấy dễ chịu và tuyệt đối không làm bé căng thẳng, sợ bú. 
  • Thời điểm: Khi thấy khớp ngậm sai thì càng can thiệp điều chỉnh sớm càng tốt. 
  • Tâm lý của mẹ và gia đình: Điều quan trọng nữa là có rất nhiều yếu tố tác động đến việc bé bú mẹ, nên khi bé đang bú sai, hoặc đang bỏ bú thì mẹ chỉ cần cố gắng hết sức mình, kiên nhẫn và làm đúng phương pháp, và nhất định đừng tự tạo áp lực cho mình, có như vậy mẹ mới có thể vui vẻ để chăm con và nuôi con bằng sữa mẹ được.

Nguồn tham khảo:

  • Khóa học ngắn của Stanford về Cho con bú mẹ (Stanford's short course on Breastfeeding): https://www.coursera.org/learn/breastfeeding
  • Bác sĩ sữa mẹ Anh Thy: https://www.facebook.com/TuVanSuaMe/
  • Breastfeeding: Position & Latch: https://www.youtube.com/watch?v=xWPbykBKEMA
  • Hand Expression of milk: https://med.stanford.edu/newborns/professional-education/breastfeeding/hand-expressing-milk.html


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

A - Làm thế nào để giữ con thức?

Điều kỳ diệu mang tên có thai

Có con là mẹ được sinh ra lại một lần nữa