Mẹ ăn gì cho nhiều sữa?

Thực phẩm cho các mẹ cho con bú để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng? Ăn gì nhiều sữa? Mẹ bỉm sữa tránh hay kiêng gì?


Quay lại chuỗi bài về Cho con bú mẹ, khi bạn đã hiểu về cơ chế tiết sữa mẹ (cơ chế hooc môn trong những ngày đầu và cơ chế cung cầu trong thời gian tiếp theo), các bạn sẽ biết rằng việc có nhiều sữa phụ thuộc vào khả năng kích thích nhu cầu của bé chứ không phải thức ăn. Trong các bài viết về chủ đề này, mình thấy bác sĩ sữa mẹ Anh Thy đã có tư vấn rất chi tiết nên gửi các bố mẹ, ông bà cùng tham khảo nha! 
Tóm tắt rất ngắn là trừ những món bố hoặc mẹ dị ứng vì nguy cơ bé cũng bị dị ứng, ăn chín uống sôi, lành mạnh, uống nhiều nước, đầy đủ đạm rau củ quả tinh bột, mẹ không cần kiêng kị gì cả!

Theo tư vấn của Bác sĩ Sữa mẹ Anh Thy: 

Ăn theo khả năng chứ không cần phải ăn gấp đôi bình thường.
Một chế độ ăn đầy đủ nhóm: tinh bột, đạm, rau củ. Ăn 3 bữa 1 ngày. Có thể thêm 1-2 bữa phụ nếu mẹ thấy đói. Bữa phụ có thể là sữa đậu nành, sữa ngũ cốc, trái cây, bánh, 1 đĩa xà lách trộn, bánh mì sandwich kẹp rau/trứng, trái chuối, trái táo… nhiều lắm, miễn nhanh gọn là được.

1/ NHÓM ĐẠM:

  • Ăn tất cả các loại đạm như thịt heo, gà, bò, tôm, cua.
  • Cơ địa mẹ nào dị ứng hải sản trước đó thì giờ cũng không ăn. Mẹ nào không dị ứng hải sản thì cứ việc ăn thoải mái.
  • Cơ địa mẹ nào sẹo lồi là sẽ sẹo lồi. Ví dụ mẹ nào có cơ địa sẹo lồi thì có kiêng các thực phẩm như bò, rau muống thì cũng sẽ sẹo lồi, ngược lại mẹ nào không có cơ địa sẹo lồi, ăn bò, gà, rau muống cũng chẳng sao.
  • Lưu ý là móng giò không giúp lợi sữa. Người mẹ ăn nhiều móng giò sẽ khó lấy lại cân nặng sau sinh.
  • Trong thai kỳ, các mẹ tăng cân là để tích trữ mỡ thừa ở vùng mông, hông, đùi. Lưỡng mỡ này được dùng để tạo sữa cho bé. Nếu chưa dùng hết lượng mỡ thừa này mà mẹ lại nạp thêm 1 lượng mỡ khác vào thì các mẹ biết … hậu quả rồi đó! Thay vì hầm đu đủ với móng giò, chúng ta có thể hầm với xương hay sườn non.
  • Ăn móng giò có nhiều mỡ, khiến cho bản thân các mẹ không nhận đầy đủ đạm. Vì vậy các mẹ nên ăn nhiều đạm chứ không phải nhiều mỡ. Ăn đầy đủ đạm sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch.
  • Đạm từ cá rất rất tốt, không làm lạnh bụng, không làm tanh sữa. Ngay cả người bình thường không cho con bú thì cá là một nhóm thực phẩm rất tốt. Mẹ nào siêng ăn cá sẽ giúp cho nhóm chất béo tốt trong sữa (AHA, ARA,…) nhiều hơn, tốt cho phát triển trí não của con.

2/ NHÓM TINH BỘT

  • Ăn lượng tinh bột vừa phải, không cần phải ép bản thân ăn một tô cơm rất đầy. 
  • Các mẹ cần ăn nhiều đạm và rau củ quả.

3/ NHÓM RAU CỦ - TRÁI CÂY

  • Rau củ: ăn phong phú, nên ưu tiên ăn tươi nếu có thể. Xà lách, cà chua, dưa leo đều có thể ăn tươi được. Ăn tươi sẽ có nhiều vitamin và khoáng chất, rất quan trọng trong việc nâng sức đề kháng cho cơ thể, nhất là trong mùa dịch Corona.
    Vậy có ăn rau sống được không? Câu trả lời là ĐƯỢC, miễn đảm bảo vệ sinh thực phẩm!
  • Vitamin C ở dạng thuốc đa vitamin sẽ không có tác dụng tăng sức đề kháng thực sự. Vitamin C cần được hấp thu từ thực phẩm tươi sạch. Vì vậy trái cây có nhiều C như cam, kiwi, bưởi, chanh leo… đều có thể ăn được. Lưu ý ăn lượng trái cây chua mức độ vừa phải và cần thay đổi luân phiên với các loại trái cây khác như đu đủ, táo, chuối… vì nếu luôn ăn trái cây chua sẽ không tốt cho dạ dày người mẹ và cũng khiến cho 1 số bé đi phân hơi chua, lỏng. Ăn gì cũng cần cân bằng. Loại bỏ hoàn toàn nhóm trái cây nhiều vitamin C có vị chua ra khỏi thực đơn là không nên.
  • Một số nhóm trái cây hay rau củ mà các mẹ nghĩ rằng nó làm mất sữa: dâu, bơ, bắp cải, mướp đắng, lá lốt, lá bạc hà, … Có lá bạc hà là người ta thấy có thể giảm sữa, nhưng phải ăn 1 lượng rất lớn mới bị, chứ nếu mẹ ăn 1 viên kẹo bạc hà thì hông có sao hết. Dâu, bơ, bắp cải, lá lốt… ăn được hết. Đa phần mẹ nào ăn vào bị giảm sữa là do tâm lý. Bởi vì dân gian nói rằng ăn mấy cái này giảm sữa, thế là mẹ ngồi lo, chính sự lo lắng đó mới gây giảm sữa. Hoặc sẽ có 1 lý do nào đó trùng hợp như mẹ cho bú không đúng cách hay hút sữa không đúng cách nên làm giảm sữa.
  • Rau cải thường bị cho răng ăn vào sẽ bị tiểu dắt về sau. Thực tế là khi lớn tuổi, các cơ quan đều hư hao, không chỗ này thì là chỗ kia, chứ hổng phải ăn rau cải thì sẽ bị tiểu dắt về sau. Cho nên không có cấm rau cải. Tuy nhiên do khác biệt quan điểm về thế hệ nên cái gì tránh xung đột được thì cứ tránh. Dù sao đất nước chúng ra rất nhiều loại rau củ, thay thế loại khác mà yên cửa yên nhà cũng hông có sao.

4/ GIA VỊ

  • Các mẹ có thể dùng nhiều loại gia vị, kể cả tỏi, ớt, ngũ vị hương, hành lá … Sữa sẽ có nhiều mùi vị, không sao hết. Nhờ vậy sau này ăn dặm, em bé sẽ thích nghi với nhiều loại thực phẩm khác nhau. Mẹ thì ăn ngon miệng, mà ngon miệng thì tinh thần sản khoái. Mà sản khoái thì sữa sẽ về nhiều.

5/ THỰC PHẨM CÓ CAFEIN: TRÀ, CÀ PHÊ

  • Trong thời kỳ cho con bú, các mẹ không cần thiết phải kiêng các thực phẩm có cafein 100%. Các mẹ dùng lượng nhỏ không có sao hết. Sau khi dùng thì quan sát con, thấy con ngủ khó thì mẹ giảm lượng thực phẩm có cafein xuống. Đa phần mẹ uống 1 ly cả phê sữa nhỏ, hay uống trà sữa đều có thể chấp nhận được.
  • Các mẹ cần tiếp tục tận hưởng cuộc sống khi đang cho con bú, chứ hông phải cho con bú là mẹ phải gồng mình lên không được ăn cái này không được ăn cái kia.

6/ MỘT SỐ CÂU HỎI KHÁC

  • Ăn canh chua được không? Ăn canh cua rau đay được không: ĐƯỢC nha!
  • Ăn sữa chua trong tủ lạnh được không? ĐƯỢC luôn!
  • Ăn Sô cô la được hông? ĐƯỢC nhưng coi chừng … lên ký!
  • Bữa ăn mẹ A (khá giả): cơm, gà kho, bò xào, canh súp nấu sườn non. Bữa ăn của mẹ B (khó khăn): cơm, 1 đĩa rau lang luộc, 1 đĩa thịt luộc. Bữa ăn nào tốt hơn? Cả 2 đều ổn, đủ các nhóm chất là được.
  • Nên uống sữa đặc có đường cho nhiều sữa không? KHÔNG nha. Sữa được sản xuất theo nhu cầu của cơ thể (xem link Cơ chế tạo sữa), chứ không phải theo đồ ăn. Ngoài ra sữa đặc có đường có hàm lượng đường rất nhiều, không nhiều chất dinh dưỡng.
  • Ăn đồ trong tủ lạnh được hông? Có bị ê răng hỏng răng khi lớn tuổi? Cái vụ hỏng răng, ê răng khi lớn tuổi là tùy cơ địa từng người chứ không phải do ăn đồ ăn trong tủ lạnh. Di nhiên người bình thường cũng không nên ăn thực phẩm quá lạnh, không tốt cho răng mà. Vì vậy câu trả lời là bình thường ăn lạnh thế nào tốt cho sức khỏe thì giờ cho con bú mình cũng làm y vậy.
  • Vậy ăn sữa chua trong tủ lạnh được, uống nước trong tủ lạnh được. Muốn nhiều sữa không nhất thiết phải uống nước ấm (trừ khi mẹ quen từ trước). Nhiều mẹ vẫn thích uống nước mát mát trong tủ lạnh hông có sao hết.
  • Lỡ ăn kem lạnh quá có sao hông? Hông có sao hết, tận hưởng cuộc sống đâu có sao, đừng ăn nhiều quá không tốt cho răng và sức khỏe (người bình thường cũng vậy mà)
  • Không nấu trong nhà, ăn đồ ngoài hàng hay thỉnh thoảng không có người phụ phải kêu thức ăn nhanh về ăn, có sao không? Không sao nha! Có còn hơn không, hạn chế là được, đơn giản là bình thường không cho con bú cũng đã không nên như thế mà!

BS sữa mẹ Anh Thy, IBCLC

Chúc các mẹ ăn ngon miệng và luôn dồi dào sữa cho con nhé! 

Nguồn tham khảo 

  • Bác sí Sữa mẹ Anh Thy: https://www.facebook.com/TuVanSuaMe/


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

A - Làm thế nào để giữ con thức?

Điều kỳ diệu mang tên có thai

Có con là mẹ được sinh ra lại một lần nữa